Liệu mình có còn quá trẻ để biết mình là ai?

Chào mọi người, mình là Tường Nguyên.

    Hồi cấp ba, mình vẫn luôn tự hào vì mình cảm thấy mình biết mình là ai, mình thích điều gì, mình muốn học ngành nào và sau này mình muốn trở thành ai. Mình đã luôn vạch ra lộ trình cụ thể và lên kế hoạch cho hầu hết những thứ mình làm. Mình cảm thấy mình đang đi đúng hướng và chỉ cần mình tiếp tục như vậy, mình sẽ đạt được những điều mà mình mong muốn.
    Cho đến khi...
    Đầu năm 2023 này, mình trải qua một cuộc khủng hoảng căn tính (identity crisis) lớn nhất từ trước tới nay. Sau một thời gian dài đi theo con đường đã định, mình bắt đầu hoài nghi về những lựa chọn mà mình đã đưa ra, mình hoài nghi chính mình, hoài nghi về cái "danh tính" mà trước giờ mình đã gán cho bản thân. Cuộc khủng hoảng ấy như muốn đẩy mình bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, nhưng vào thời điểm đó, thay vì xuôi theo chiều gió thổi, mình lại cố gắng chạy ngược chiều. Mình trở nên hoảng hốt và cố gắng tìm lại mình, tìm lại cái danh tính mà mình đã đánh mất, hoặc, một danh tính mới. Mình vội vàng tìm kiếm những danh từ và tính từ mà mình có thể dùng để định nghĩa con người mình. Mình là ai? Một sinh viên đại học? Một đứa nhóc 18 tuổi? Một nhà sáng tạo nội dung? 
    Nhưng càng cố gắng tìm, mình lại càng bất lực.
    Trong cuộc sống hiện đại của bọn mình, hầu như tất cả công việc đều được chia ra từng quy trình rất rõ ràng và được đảm nhận bởi những người khác nhau. Ví dụ như để sản xuất ra một viên kẹo, bọn mình sẽ cần có người chuẩn bị nguyên liệu, người phân loại, người nấu, người tạo hình, người đóng gói, người xuất xưởng, người quảng bá sản phẩm,... Trên thực tế, các bước này có thể còn được chia nhỏ hơn nữa. Điều này sẽ giúp tăng năng suất lao động, đảm bảo tính hiệu quả trong công việc thay vì chỉ có một người làm tất cả mọi thứ. Đối với mình, việc phân công lao động và chuyên môn hóa là một trong những lý do khiến bọn mình cảm thấy mong muốn được biết rõ mình là ai, mình giỏi điều gì để bản thân tập trung toàn lực vào chuyên môn đó từ rất sớm. Ngoài ra, vào những năm 17, 18 tuổi, trong lúc bọn mình vẫn đang dần khám phá và hình thành danh tính của bản thân, cuộc đời lại mang đến cho bọn mình một thử thách mới: đặt nguyện vọng đại học. Để đặt "đúng" nguyện vọng, bọn mình phải biết mình muốn làm nghề gì, muốn trở thành ai trong tương lai, rồi bắt đầu chọn ngành và chọn trường. Điều này lại một lần nữa, đặt ra cho bọn mình nghĩa vụ phải nhanh chóng tìm ra căn tính, tìm ra vị trí của mình trong cuộc đời rộng lớn này. Làm sao mình biết mình thích cái gì? Làm sao mình chắc chắn là nguyện vọng mình đặt thật sự phù hợp với mình? Lỡ như mình chọn sai thì sao? Vì sợ sai, sợ mất thời gian và lỡ dở việc rèn giũa chuyên môn nên việc chọn nguyện vọng và tìm ra căn tính vô hình trung mang theo sức nặng của cả một tương lai phía trước.
    Về phần mình, như mình cũng có nói ở trên, ở tuổi 17, 18, mình may mắn có được những trải nghiệm thật sự có giá trị về mảng truyền thông và nhận ra niềm đam mê của mình với nó. Vì vậy mình xác định rất rõ từ sớm là mình sẽ học chuyên ngành này ở Đại học, mình tập trung toàn lực vào những môn trong khối thi, làm những hoạt động liên quan tới truyền thông, dành nhiều thời gian phát triển kênh YouTube. Tất nhiên, những điều mình làm hoàn toàn có giá trị đối với chặng đường phát triển sau này của này. Tuy nhiên, cũng vì có định hướng quá rõ, mình đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để thử sức với những mảng khác. Lúc đó, mình định vị bản thân là một người thích truyền thông, thích những thứ sáng tạo, sống nhẹ nhàng, chill chill. Và nguy hiểm là, mình đã mặc định rằng mình không thích và không phù hợp với những thứ khác, mặc dù trong đó có những thứ thậm chí mình còn chưa trực tiếp trải nghiệm. Đến khi vào Fulbright, mình được đặt trong tình thế bắt buộc phải trải nghiệm những thứ mới mẻ, những điều mình sợ và nghĩ là mình không thích, và rồi, mình nhận ra những phương diện khác của bản thân. Nhưng đối với một đứa đã định sẵn cho mình một căn tính rõ ràng bấy lâu nay, việc nhận ra những mặt mới đó cũng không mấy dễ chịu, nó làm cho mình cảm thấy thật mông lung, lo lắng; nó khiến mình muốn nhanh chóng quay lại trạng thái cân bằng ban đầu, trạng thái nơi có-vẻ-như mình biết mình là ai. Cho đến hiện tại, khi mình đã có thể bình tĩnh và viết bài viết này, liệu mình đã tìm thấy mình hay chưa, liệu mình đã xác định được căn tính của mình chưa? Câu trả lời là chưa, nhưng mình đã bước ra khỏi khủng hoảng căn tính. Đối với bản thân mình, việc bước ra khỏi khủng hoảng căn tính không nhất thiết phải là khi mình đã xác định rõ được mình là ai, mà cũng có thể là khi mình thấu hiểu rằng:
    Mình sẽ tìm thấy mình khi mình ngừng đi tìm mình.
    Khi mình nhìn lại, mình nhận ra rằng mình cũng chỉ mới (sắp) 19 tuổi, trong những tháng ngày trước, mình may mắn được trải nghiệm những màu sắc mà mình yêu thích, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc mình chỉ nên thích những màu sắc ấy và ngăn bản thân trải nghiệm những sắc màu khác. Đã từng có một Tường Nguyên nói với bạn của nó rằng: "Tại sao lại có người chọn học mấy ngành như Xã hội học với Nhân học nhỉ? Tao thấy nó khô khan lắm", nhưng rồi khi nó thử học những môn "khô khan" đó, nó lại thấy thích, lại say mê và nhận ra chân ái mới của cuộc đời nó. Đã từng có một Tường Nguyên, tự nhủ với bản thân rằng: "Mình không hợp để đi quẩy mấy cái concert đâu, người mình yếu mà, chỉ đi nghe nhạc chill chill thì được", nhưng rồi khi nó với bạn nó đánh liều đặt vé đi xem một lần, nó lại nhận ra nó cũng có thể hòa mình vào đám đông và lắng nghe những bài hát nó thích, có thể nó không quẩy được sung  như người khác, nhưng nó vẫn cảm nhận được niềm vui khi đứng ở đó, khi âm nhạc vang lên, pháo giấy rơi xuống và mọi người cùng nhau hát vang những giai điệu của tuổi trẻ. Dĩ nhiên trong hành trình trải nghiệm ấy, cũng sẽ có những trải nghiệm mà nó chẳng thích chút nào, nhưng nó chỉ khó chịu một chút mỗi lúc đó thôi. Còn trải nghiệm vui, có cái sẽ thay đổi cuộc đời nó, có cái sẽ khơi lên những hồi ức mà nó lưu giữ mãi về sau. 
    "Ngừng đi tìm mình" ở đây, không có nghĩa là mình đứng yên một chỗ, mà là mình ngừng ép bản thân phải tìm ra những danh từ, tính từ để định nghĩa con người mình. Mình sẽ mở lòng để thử những mảng sắc khác nhau, mình chấp nhận những khoảnh khắc mông lung của bản thân, mình hiểu rằng mình của ngày hôm nay sẽ không giống mình của ngày hôm qua, sẽ và nên có một cái gì đó thay đổi. Khi mình không cố gắng bó buộc mình vào vài ba từ ngữ nữa, mình sẽ tìm thấy mình, mỗi ngày. Mình sẽ tìm thấy mình trong chính giây phút mình làm những thứ mình thích và không thích, mình sẽ tìm thấy mình khi mình bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, mình sẽ tìm thấy mình, nhưng không phải là một "mình" tĩnh tại, mà là một "mình" luôn thay đổi. Mỗi ngày mình sẽ lại tìm thấy một mình khác.
    Mình biết rằng rồi sẽ có một ngày, mình sẽ tìm được một phiên bản tương đối ổn định, một phiên bản thật sự biết rõ nó muốn gì và nó đang làm gì, nhưng mình tin đó là sau khi mình đã trải nghiệm thật nhiều những màu sắc trong cuộc sống. Có thể Tường Nguyên đó cũng sẽ có một chuyên môn và tập trung toàn lực vào chuyên môn đó, cố gắng tạo ra những giá trị tốt đẹp cho đời. Nhưng trong thời điểm hiện tại, có lẽ mình cũng chưa muốn biết mình là ai lắm. Trong tương lai mình sẽ là ai? Mình cũng chưa trả lời được, có thể mình sẽ đi đây đó làm phim, có thể mình sẽ là một nhân viên văn phòng, cũng có thể mình sẽ dành thời gian học lên cao hơn và đi làm nghiên cứu. Mình chỉ biết rằng trong hiện tại mình vẫn đang là
một đứa trẻ đang lớn.
Sài Gòn, 23/09/2023.
    
    

Nhận xét

Bài đăng phổ biến